Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

SA MẠC CUỘC ĐỜI !



Đời người là một cuộc hành trình, là một chuyến đi dài, đi và đi như thế nào đó là do mỗi người tự định đoạt lấy. Nhưng trên chặng đường ấy gặp ai và phải đương đầu với việc gì thì đố ai biết được?

Tôi cũng như tất cả mọi người được giao cho chiếc bị với mớ hành trang và quày quả bước đi. Hành trang là một khói óc, hành trang là một trái tim và hành trang là tiếng thì thầm giục gọi của lương tâm. Nó như chiếc la bàn, giúp tôi biết định hướng chuyến du hành đời mình.

Lúc còn bé con đường ta qua được trải trước những miếng lót, có người may mắn thì đó là thảm nhung, có người kém may mắn hơn thì đường lát bằng xi măng, người kém may mắn nhất thì trầy trụa với những bước trơn trợt từ thuở ấu thơ. Nhưng tất cả đều phải bước đi trên con đường của riêng mình.

Dọc con đường đi, được gặp nhiều người với nhiều thái độ khác nhau, vui tươi niềm nở mở lời chào, cái vẫy tay vội vả, môi mỉm nhẹ nụ cười, cái xiết tay, thậm chí cái bám chặt tay đỡ nhau qua lối trơn sình bùn.

Trên lối đi có nắng sớm, mưa chiều, có trăm hoa đua nở, có cỏ xanh tươi, có đồng khô héo úa, có chim muôn ca hát và cũng không dè chừng thú dữ lăm le.

Đi và đi như thế nào để cảm nhận hành trình cuộc đời mình hạnh phúc và mang đầy ý nghĩa nhất là do có nhìn vào chiếc la bàn mà mình có sẵn trong tay hay không?

Tôi lắm lúc ngủ gục trên từng bước chân mình, chiếc la bàn mất hút khỏi tầm tay, con tim heo úa không nhựa sống, trí óc mòn mỏi vì những va vấp đời thường, nên cảm nhận những bước chân lỏng lẻo, nhạt nhẽo khi bước đi.

Lúc đó tôi gọi "Sa Mạc cuộc đời"

Làm gì khi bước vào sa mạc?

Đứng trước sa mạc mà mình phải băng qua có người đuối sức và cảm thấy ngán ngẫm. Có người lại chùn chân, ao ước mình được đứng mãi dù trên thảm cỏ xanh, hoặc ở lại trong túp lều trọ ven đường. Có người lại chọn giải pháp rên rỉ, kêu gào khóc lóc. Còn không ít người cắn đến rướm máu đôi môi để chịu đựng, dẫm lên cát nóng bỏng thậm chí cháy xém gót chân để băng qua.

Một giải pháp tròn trịa để tôi nhìn vào và bước đi đó là:

Một anh chàng chỉ 33 tuổi đã chọn việc ở lại sa mạc cuộc đời mình bốn mươi đêm ngày để ăn chay cầu nguyện. Hay thật!

Việc ăn chay cầu nguyện đã thanh lọc tâm hồn Người, để rồi khi bước ra khỏi đó bóng đêm ập đến, sự dữ vây tứ bề nhưng ánh sáng của vinh quang đã bao trùm Ngài và chiếu tỏa, bóng tối dần dần bị mờ tan, bị đẩy lùi.Nhẹ nhàng lướt qua thập giá đau khổ để tiến đến vinh quang phục sinh.

Dìm mình vào việc cầu nguyện, để hấp thụ những tia sáng, để thông phần với Người, để được chia chác cái phần rực sáng, để được đánh dấu ấn, khi bước vào bóng đêm tia sáng lại phát ra chiếu dọi lối đi. Và rồi cũng sẽ được sống mãi trong ánh sáng phục sinh của Người.

Phải bước qua sa mạc cuộc đời lắm lúc như là một hồng ân vì có lầm lũi bước đi trong bóng tối, mới biết học cách nỗ lực đi tìm ánh sáng và muốn ở lại mãi trong ánh sáng.

Có nếm cảm đau khổ, mới thấy cửa Vườn Giêt-xi-ma đang rộng mở mời gọi nhân trần đến thông phần, đến chia chát lợi lộc.


Thánh giá nở hoa vì do Chúa tôi đã dùng chính máu mình tưới lên. Để tôi đước đón nhận phần ân phúc ấy mà làm lộ phí trên đường đời!

CÔNG TRÌNH DÀNH CHO CHÚA HÀI ĐỒNG

CÔNG TRÌNH DÀNH CHO CHÚA HÀI ĐỒNG

Hợp với toàn thể Giáo Hội bước vào mùa vọng, trong tâm tình tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. Chị em chúng tôi tại tại cộng đoàn Mactino cũng xây một hang đá nhỏ để chào đón Hài Nhi Giêsu.
Vào Ngày đầu tiên của Chúa nhật I mùa vọng, chiếc hang đá được khởi công, do các chị em trong tổ cùng nhau thiết kế  ra một mẫu hang đa để làm và cùng nhau  tìm vật liệu. Sau 3 ngày miệt mài; nào là chặt tre, nứa, đan tranh, nào là loay hoay với những chiếc đèn ông sao, những dàn bóng nháy… đến ngày thứ tư, hang đá cũng được hoàn thành với biết bao mồ hôi công sức.
 Điều kỳ diệu là Chúa Hài Đồng đã gửi món quà (một bóng đèn nháy được gởi đến từ những ân nhân, thân nhân quen thuộc của cộng đoàn ) qua tấm lòng của các vị chúng con  có thêm tỏa sáng cho chúa tr0ng đêm giáng sinh  cho Chúa Hài đồng một máng cỏ trong mùa đông giá rét này.
          Hang đá là việc làm bề ngoài; nhưng qua đó chị em chúng tôi muốn nhắc nhở nhau, góp nhặt những hy sinh nhỏ bé xây nên cho Chúa Hài Đồng một máng cỏ, ngay trong chính tâm hồn của mỗi người; bằng việc thực sự ý thức trong công việc phục vụ các em mà hằng ngày chúng tôi đang đảm nhiệm.
          Mùa vọng là khởi điểm của một năm Phụng Vụ, là sự khởi đầu của một chặng đường mới, là trạm dừng chân trong một quảng đường dài để nhìn lại con đường đã đi, sửa lại những khúc quanh co như lời mời gọi của Thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng (Mt 3,3) “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
          Mùa vọng, mùa của màu tím, nhưng không phải là màu tím của chiếc màn nhà tạm, hay màu tím của chiếc áo mà vị linh mục khoác trên mình; nhưng là màu tím của lòng sám hối, khi mỗi người thực sự ý thức và dẫn tới hành động dứt khoát với những tội lỗi, những đam mê bao ngày qua làm ta xa Chúa, để trở về cùng ngài trong nước mắt của sự thống hối ăn năn.
          Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, Chúa đã giáng sinh làm thân phận con người hơn hai ngàn năm nay, và trong mỗi giây phút Chúa đang hiện diện trong những mảnh đời mà chúng con phục vụ. Xin cho mỗi người chúng con biết ý thức chu toàn công việc bổn phận với lòng yêu mến Chúa; để đón Chúa đến trong từng giây phút của cuộc sống, chứ không phải chỉ là trong mùa vọng ngắn ngủi này. Xin Chúa cũng chúc phúc và trả công cho những người đã cộng tác với chúng con trong công trình xây dựng Nước Chúa ngay tại trần thế này.  

CHẮP CÁNH CHO NHỮNG ƯỚC MƠ...!

 CHẮP CÁNH CHO NHỮNG ƯỚC MƠ...!

 
Jenny và David là hai người bạn thân. Jenny con nhà giàu, cậu có tất cả những gì mình muốn; ngược lại, David không những nghèo, thêm vào đó cậu lại bị tàn tật, phải ngồi xe lăn suốt đời. Một hôm, khi ra công viên dạo chơi, Jenny thấy David cố gượng mình đứng lên, nhưng không sao đứng nổi vì đôi chân của cậu bị co quắp lại. Jenny tới gần David và hỏi: này David, cậu làm gì thế? David trả lời trong tuyệt vọng: tớ ước được đứng lên bằng đôi chân của mình, dù chỉ một lần cũng được, để xem cảm giác như thế nào. Jenny thấy nghẹn đắng trong cổ họng, vội vàng cõng David trên lưng và chạy tung tăng khắp công viên. David cảm thấy vui sướng vô cùng, chưa bao giờ cậu thấy hạnh phúc như vậy, cậu có cảm giác như đang được chạy bằng đôi chân của mình thực sự.
Các bạn thấn mến !
Là con người, ai mà chẳng có những ước mơ của riêng mình. Mỗi người được sinh ra đều có quyền được mơ ước. Một nhà diễn thuyết nào đó đã nói: “Ước mơ là khởi điểm của sự thành công, là con đường dẫn tới hạnh phúc”. Vì nếu sống mà không có ước mơ thì con người đó sống không có mục đích, cuộc sống đối với họ chỉ vô nghĩa mà thôi.
Tôi và cả bạn nữa, từ khi sinh ra chúng ta đã có biết bao những ước mơ phải không nào? nào là ước gì  mình có một con búp bê xinh xắn; ước gì mình thi đậu đại học; ước gì mình được bố mẹ mua cho một chiếc xe máy; nào là ước gì tôi có vợ đẹp, con khôn, có một sự nghiệp…
Nhưng, có bao giờ chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của những mảnh đời bất hạnh, để thử nghĩ xem họ đang ước mơ điều gì. Họ là ai? Là những đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ, không người thân. Họ bị chính bố mẹ, người thân, chính xã hội này bỏ rơi chỉ vì có thân hình kỳ qoái.
Tại sao vậy? Họ không phải là con người sao? Đúng vậy, người ta không coi họ là người, nhưng họ là con người thực sự: cũng biết vui biết buồn, biết no, biết đói như chúng ta. Có ai biết rằng từng đêm họ đang mơ ước được đi, được đứng, được chạy nhảy như bao người bình thường khác; có ai biết rằng tận trong thâm tâm họ đang mơ ước có một gia đình, có cha, có mẹ để được ôm ấp vỗ về những lúc mưa gió, những lúc cô đơn, để được nói con yêu mẹ yêu cha; nhưng đó chỉ là giấc mơ của những đứa bé không mẹ không cha. Chẳng lẽ họ lại không có quyền được mơ ước những điều đó sao? Còn chúng ta, chúng ta chẳng cần phải mơ ước những điều đó. Bởi vì, Tạo Hóa đã lấy đi đôi tay xinh xắn, đôi chân lành lặn, đôi mắt sáng, khuôn mặt dễ thương để trao ban cho chúng ta. Tạo Hóa đã ban tặng chúng ta một gia đình: có cha, có mẹ là những người luôn bên cạnh chúng ta.

Như jenny trong cậu chuyện trên, cậu đã chắp cánh cho ước mơ của David, chúng ta cũng vậy, hãy nối dài ước mơ của các em bằng tình yêu và lòng nhân ái, hãy sưởi ấm các em bằng tình người các bạn nhé, điều đó rất cần các bạn ạ! Nếu bạn muốn làm điều đó, xin hãy nhanh chóng liên hệ với chúng tôi 

Một Bước Tiến – Ẩn Chứa Niềm Hy Vọng.

Một Bước Tiến – Ẩn Chứa Niềm Hy Vọng.

Bạn và tôi, chúng ta đang ấp ủ trong lòng mình những niềm hy vọng và nhờ niềm hy vọng đó mà chúng ta có thể vững bước tiến trên đường đời.            
             
Tương lai mở ra trước mắt chúng ta với muôn ngàn lựa chọn, điều đó khiến chúng ta phải phấn đấu để đạt được mục đích sống của mình. Việc chọn và quyết định của chúng tôi không giống như các bạn nhưng là một cuộc mạo hiểm vô cùng kỳ thú bởi một cách nào đó chúng tôi đã lắng nghe và đang cố gắng đáp lại tiếng gọi Tình Yêu của Đấng Vô Hình. Vâng! Chúng tôi muốn tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ hạnh phúc anh chị em trong ơn gọi.
Chúng tôi là những người trẻ đầy sức sống, nhạy bén, sáng tạo và tham vọng, muốn góp phần nhỏ bé của mình đổi mới xã hội. Dù biết rằng đó là một việc làm vô cùng khó khăn, bởi  thế giới mà chúng ta đang đối diện là một thế giới với nhiều thách đố, cơn lốc xoáy của vật chất và hưởng thụ, cơn sóng của vui thú và phù hoa đang rình rập và có thể vùi dập chúng tôi bất cứ lúc nào, nhưng chúng tôi đã tình nguyện theo Đức Kitô và muốn sống  cho lý tưởng cao quý đó. Chính vì thế mà hôm nay, 44 thành viên chúng tôi táo bạo tiến  một bước mới trong ơn gọi dâng hiến, dù bước tiến này còn mang đậm dấu ấn của một tình yêu còn hết sức vụng về non trẻ nhưng mảnh liệt và sâu lắng khôn lường.
            Tiến lên một bước trong ơn gọi là niềm mong ước, nỗi khát khao lớn lao và cháy bỏng trong lòng mỗi chúng tôi. Ý thức rằng để trở thành những tập sinh như ngày hôm nay chúng tôi đã phải trải qua bao thử thách, cám đỗ, bao trăn trở lựa chọn và cả những khát vọng sống và chúng tôi đã kiên trì, can đảm thưa tiếng “ này con đây” theo sự thúc đẩy của  một tình yêu huyền nhiệm.
            Trong hồng ân lãnh nhận tu phục, chúng tôi không thể diễn tả hết niềm vui sướng – hạnh phúc mà Thiên Chúa đã khấng ban. Có người bảo rằng “ chiếc áo dòng không làm nên thầy tu” nhưng đối với chúng tôi nó là một chứng tích của tình yêu, dấu chỉ thuộc về Đức kitô, chúng tôi trân trọng vô cùng, vì từ nay tôi mặc lấy chính thân mình Ngài trong cuộc đời của tôi, tôi sẽ sống cho tình yêu ấy và làm tròn đầy tình yêu ấy mỗi ngày.  Dù trong đáy sâu tâm hồn chúng tôi vẫn thấy bao điều day dứt, bâng khuâng, ngại ngần vì tương lai của chúng tôi là một câu phỏng vấn xem ra không mấy hấp dẫn: “Ai muốn theo Tôi hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”; “ Con chim có tổ, con chồn có hang, con Người không nơi gối đầu.”. Nhưng niềm tin vào Đức Kitô và  lời vọng tình yêu của trái tim bị đâm thủng từ trên thập tự giá đã giúp chúng tôi xua tan mọi lo ngại và tôi tin rằng Ngài sẽ hoàn thành chương trình của Ngài nơi mỗi chúng tôi một cách tốt đẹp nhất,  giờ trong tôi chỉ còn lại một niềm xác tín “ Lạy Chúa” Chúa là cuộc đời con, Chúa là định mệnh của con” (cha Anthong). Đặc biệt, chúng tôi thấy an tâm để tiến lên một bước vì bên cạnh chúng tôi, trong mọi tình huống, kể cả những nghịch cảnh trớ trêu thì chúng tôi vẫn có Hội Dòng, đang từng bước dắt dìu, bao bọc chở che chúng tôi qua tình thương của những người chị đi trước.
            Chúng tôi cảm tạ ân huệ Chúa và tình thương của Hội Dòng đã tạo cơ hội cho chúng tôi tiến lên – trưởng thành dần trong ơn gọi. Chúng tôi hy vọng rằng, qua một năm trong môi trường huấn luyện mới, sẽ là một năm ân sủng, chúng tôi sẽ nếm cảm những ân huệ Chúa ban cho mình để không ngừng cố gắng lao tác, dấn bước trong tương lai với niềm hy vọng  trở nên những nữ tu  phản ánh khuôn mặt trung thực của Đức Kitô bằng chính sự tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa theo lý tưởng và linh đạo của Đấng sáng lập. 
Nguyện xin Chúa giải thoát chúng con khỏi mọi ràng buộc để trở thành những người con tự do của ân sủng, tràn đầy niềm vui trong nhà Chúa vì chúng con đã tìm kiếm được kho báu đích thực cho cuộc đời mình là chính Đức Kitô.
  Một bước tiến lên trong ơn gọi là thắp lên niềm hy vọng cho Hội Dòng, Giáo Hội và xã hội, nhưng hành trình này còn nhiều gấp khúc, xin mọi  người hãy cùng đồng hành với chúng tôi để chúng ta có thể tìm thấy trong thế giới bao la này

NGHĨ VỀ MẸ

NGHĨ VỀ MẸ



        Đã mấy hôm rồi trời trở lạnh, chỉ có cơn gió thoảng nhẹ cũng đủ làm buốt da thịt, đông chưa qua xuân lại vội đến. Khi nghe lại bài hát: “Mừng Tuổi Mẹ” của Nhạc sĩ Trần Lòng Ân tôi thấy lòng mình dâng lên một nỗi niềm khó tả, đó là nổi thương nhớ Mẹ da diết lạ thường. Chắc không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết lên ca khúc: “Mừng tuổi Mẹ”, nhưng với tất cả tấm lòng trân trọng của người con thảo hiếu dành cho Mẹ. Những ca từ trong ca khúc ấy dễ đi vào lòng người với tâm tình và hình ảnh quen thuộc của một làng quê: “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay Mẹ rụng…”,  gần gủi và thân thiết quá! “rồi mùa xuân ấy tóc trắng Mẹ bay như gió như mây bay qua đời con…bay qua thời gian, giai điệu mượt mà và đáng yêu làm sao! Có lẽ trong cuộc đời, chính tác giả đã cảm nếm được sự ngọt ngào và nhận được tình mẫu tử thiêng liêng cao quý từ tấm lòng của một người Mẹ kính yêu.
        Vâng, ca khúc ấy đã đi vào lòng tôi không biết từ bao giờ, nó làm tôi nhớ đến hình ảnh người Mẹ gầy gò yếu ớt nơi quê nhà. Mẹ ơi, giờ phút giao thừa đã đến mà đứa con này không hiện diện bên gia đình, chắc Mẹ trông mong con lắm. Từ khi con bước chân ra đi thực hiện lý tưởng của đời dâng hiến, đã hai mùa xuân con không về bên Mẹ, đáng lẽ trong giờ khắc linh thiêng của đêm giao thừa con phải cùng gia đình ta đoàn tụ phải không Mẹ? nhưng vì lý tưởng, vì sứ mạng của đời phục vụ con đành hy sinh…
Mẹ tôi, một đời tần tảo gánh gồng từng bó rau, củ khoai nuôi con khôn lớn, khi tôi tốt nghiệp phổ thông Mẹ đã gạt nước mắt quảng đại dâng con cho Chúa, mong sao con trở nên hạt giống gieo vãi Tin Mừng Tình Yêu của Chúa giữa lòng thế giới, một thế giới đầy biến động và phức tạp. Tôi nghe người ta kể lại, cứ mỗi độ tết đến xuân về, đôi mắt mẹ lại thâm quầng lên vì không ngủ, trằn trọc mong ngày được nhìn thấy con yêu, mỗi lần con ra đi, đôi mắt mẹ lại sưng lên vì khóc; mẹ thương con, nhớ con, nhưng Mẹ đã hy sinh tất cả. Trong mắt Mẹ, tôi vẫn là đứa bé nhũng nhẹo, yếu ớt ngày nào; mỗi lần về thăm nhà được Mẹ chăm chút từng ly,từng tý; nhưng Mẹ ơi, con đã lớn, đã lớn thật rồi, con không còn là đứa bé chỉ biết nghĩ đến mình như ngày xưa, con đã biết sống cho, sống vì người khác. Mẹ biết không, chưa có năm nào con cảm thấy mình hạnh phúc như năm nay, hạnh phúc vì con đang được đón tết cùng những đứa bé mồ côi, khuyết tật, những mảnh đời bên lề xã hội; con đã ở bên cạnh chúng lúc chúng cảm thấy cô đơn nhất, lúc chúng cần bờ vai để nương tựa…

      Cuộc đời như cơn gió thoảng qua, mới đó mà đã hơn tám năm tôi xa nhà, xa quê, xa Mẹ. Đã bao lần xuân đến rồi lại đi trong đời Mẹ, trong đời tôi mang theo bao niềm vui, nỗi buồn lẫn lộn. Vui vì còn được gần Mẹ, buồn vì nghĩ đến ngày xa Mẹ lại càng gần hơn. Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin Mẹ đang còn trẻ, mỗi mùa xuân về Mẹ thêm tuổi mới, mỗi mùa xuân mới con mừng tuổi Mẹ. Tôi thầm cảm ơn nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã để lại trong tôi ca khúc khó phai mờ, để mỗi lần nghĩ về mẹ tôi cố gắng sống tốt, không phụ công ơn sinh thành dưỡng dục của người Mẹ hiền yêu dấu, và thầm chia sẽ niềm đau với những người con không còn diễm phúc được Mẹ cạnh bên mỗi độ xuân về.

MÙA XUÂN KHUYẾT

MÙA XUÂN KHUYẾT

Xuân đang về, tiếng chim én vang trên bầu trời rộn rã, mang những niềm vui đón chào năm mới. Cánh én lướt nhanh vụt qua mỗi cành đào, để lại những cơn gió mới mẻ đầu mùa tràn ngập niềm vui, cùng với những tiếng chim trở lại ấm áp. Mùa xuân! Khi nói đến hai tiếng mùa xuân chắc hẳn ai cũng nghĩ mùa xuân sẽ là mùa của hạnh phúc, cũng như mang đến nhiều tiếng cười nhất! Nhưng cũng có một góc nhỏ khoẳng lặng còn đó những mùa xuân không trọn vẹn.
          Từ tầng ba của Mái ấm Thiện Tâm nhìn xuống con đường chạy dài, người người lớp lớp đua nhau đi sắm tết, mọi người mọi nhà đang tất bật với công việc chuẩn bị cho một cái tết đang đến gần kề. Trong không khí rộn ràng đó, tôi hòa mình với đất trời chào đón mùa xuân. Một mùa xuân với khí trời nắng ấm, muôn cây đâm chồi nẩy lộc, thỉnh thoảng có vài chú chim nhảy nhót hót líu lo như đang mời gọi tôi hòa điệu nhảy cùng chúng. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy buồn. Cảm giác này tôi đã cảm nhận được ngay từ khi không khí tết len lỏi vào trong tâm hồn tôi. Không khí của mùa xuân gợi lên trong tôi câu hát: “Ngày đầu xuân bao người đi xa cùng về với gia đình…” làm tôi cảm thấy nhớ nhà da diết.
Vâng, tết là dịp mọi người tề tựu bên nhau; dù đi đâu, ở phương trời nào thì ngày tết mọi người đều trở về bên người thân, bên gia đình để hưởng những ngày xuân tươi đẹp. Nhưng đối với những đứa bé mồ côi không nơi nương tựa, những mảnh đời bất hạnh thì đây lại là những ngày họ cảm thấy cô đơn, buồn tủi nhất… Những tâm trạng đó tôi đã bắt gặp khi tôi đang được đồng hành với các em trong từng giờ cơm, giấc ngủ...
     Và chiều nay, khi chơi với các em, tôi bỗng thấy các em có thái độ rất lạ khác hẳn mọi khi, đến gần tôi ôn tồn hỏi: các em có chuyện gì à, ai chọc nghẹo các em? trả lời tôi một số em chỉ lắc đầu liên tục rồi cúi gập đầu xuống; tôi hỏi tiếp: các em nhớ mẹ à? Tôi chỉ buột miệng chứ không hề nghĩ đến điều đó, vì từ lúc sinh ra các em chưa biết khái niệm mẹ là gì; nhưng khi vừa nghe đến từ mẹ, nước mắt ai cũng chảy dài trên hai gò má. Lúc đó lòng tôi như thắt lại, ngẹn ngào không thốt ra được lời nào để an ủi các em, mà chỉ biết vỗ nhẽ trên vai rồi lần lượt ôm các em vào lòng thủ thỉ: em cứ khóc đi. Ngước mắt lên trời tôi thì thầm cùng Chúa: lạy Chúa, con phải nói gì với các em, phải khuyên các em thế nào đây, làm sao con có thể phủ lấp đầy những mất mát, những hố sâu trong cõi lòng các em! Xin Chúa hãy đến an ủi, con mặc kệ Chúa đó! Rồi những ngày tiếp theo, hễ nghe tiếng xe chạy ngoài đường, có những em lại vùng chạy ra nhìn theo chiếc xe như đang chờ đợi, hy vọng một điều gì đó, cho đến khi tiếng xe mất hút trong không gian vô tận, đôi mắt các em sập xuống và hai dòng lệ lại tuôn rơi. Trong sự im lặng xót xa, mắt tôi cũng đỏ lên lúc nào không biết. Rồi tôi lại chợt nghĩ miên man: Có lẽ, khi mà trên đường phố tiếng cười nói, tiếng người chúc nhau cho một năm mới an bình, nhà nhà ngập tràn ánh sáng của những dãy bóng nháy chuẩn bị đón tết, tiếng nhạc rộn ràng giục dã kẻ tha phương nhanh chân trở về bên người thân để đón tết, khi mà những ngày lạnh giá ảm đạm đã qua, nhường chỗ cho mùa xuân nắng ấm, cảnh vật và con người dường như cũng được hồi sinh. Thì khát vọng có một gia đình lại một lần nữa được nhen nhóm trong cõi lòng những đứa bé mồ côi; dù biết không thể, nhưng dòng máu đang chạy trong huyết mạch vẫn thôi thúc chúng ước mơ một lần gặp mẹ, một lần được gọi tiếng mẹ ơi, một lần được ôm lấy mẹ mà khóc, một lần được nói con nhớ mẹ…nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi!
Vâng, Mùa xuân của đất trời xoay vòng mỗi năm một lần, còn mùa xuân của lòng người thì bao giờ mới đến. Thiết nghĩ, cuộc đời của những mảnh đời bất hạnh này sẽ không bao giờ có một mùa xuân trọn vẹn mà chỉ là một chuỗi dài những “mùa xuân khuyết”, cái tên gọi mà sáng nay tôi nghe được từ một chị cùng phòng, chị nói về một bài viết nào đó với tiêu đề “mùa xuân khuyết” nên tôi đành mượn cái tên đó để đặt tiêu đề cho những tâm sự mà tôi muốn chia sẻ; để ai trong chúng ta đang hạnh phúc có một gia đình, phải luôn biết sống trong tâm tình cảm tạ, đồng thời biết chia sẻ, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh mà mình bắt gặp trên đường đời.   


5 BÀI HỌC RẤT CẦN TRONG CUỘC SỐNG

 5 BÀI HỌC RẤT CẦN TRONG CUỘC SỐNG











1. BÀI HỌC VỀ SỰ QUAN TÂM
Trong tháng thứ 2 của khoá học y tá, vị giáo sư của chúng tôi đã cho chúng tôi một câu hỏi hết sức bất ngờ trong bài thi vấn đáp. Tôi đã lướt qua hầu hết các câu hỏi trong bài thi, và ngạc nhiên dừng lại ở câu hỏi cuối cùng: “Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trường học của chúng ta?”.Một câu hỏi không có trong chuyên môn, chắc đây chỉ là một câu hỏi đùa thôi. Tôi đã nghĩ vậy! Thật ra, tôi đã nhìn thấy người phụ nữ đó vài lần. Cô ấy cao, tóc sẫm màu và khoảng chừng 50 tuổi nhưng làm sao mà tôi có thể biết được tên cô ta cơ chứ?

Tôi đã kết thúc bài làm của mình với câu cuối cùng bị bỏ trống.
Cuối giờ kiểm tra, một sinh viên đã hỏi vị giáo sư rằng: “Liệu ông có tính điểm cho câu hỏi cuối cùng kia không?”, ông ta trả lời: “Chắc chắn rồi”, rồi ông nói tiếp: “Trong công việc, các em sẽ gặp rất nhiều người, tất cả họ đều quan trọng, họ xứng đáng được nhận sự quan tâm của các em, dù chỉ là một nụ cười hay một câu chào”.
Tôi đã không bao giờ quên bài học đó trên mỗi bước đường đời của mình sau này, và tôi cũng không bao giờ quên tên của người phụ nữ đó, cô Dorothy.
2. BÀI HỌC VỀ SỰ GIÚP ĐỠ
Hãy yêu thương, hạnh phúc sẽ đến
Trong một đêm mưa bão bất thường trên đường phố Alabama vắng vẻ, lúc đó đã 11h30 khuya, có một bà lão da đen vẫn cứ mặc cho những ngọn roi mưa quất liên hồi vào mặt, cố hết sức vẫy vẫy cánh tay để xin đi nhờ xe.
Một chiếc xe chạy vút qua, rồi thêm một chiếc xe nữa, không ai để ý đến cánh tay dường như đã tê cứng vì lạnh cóng. Mặc dù vậy, bà lão vẫn hy vọng và vẫy chiếc xe kế tiếp. Một chàng trai da trắng đã cho bà lên xe. (Mặc cho cuộc xung đột sắc tộc 1960). Bà lão trông có vẻ rất vội vã, nhưng cũng không quên cám ơn và ghi lại địa chỉ của chàng trai.

Bảy ngày trôi qua, cánh cửa nhà chàng trai tốt bụng vang lên tiếng gõ cửa. Chàng trai ngạc nhiên hết sức khi thấy một cái tivi khổng lồ ngay trước cửa nhà mình. Một lá thư được đính kèm, trong đó viết: “Cảm ơn cháu vì đã cho bà đi nhờ xe vào cái đêm mưa hôm ấy. Cơn mưa không những đã làm ướt sũng quần áo mà nó còn làm lạnh buốt trái tim và tinh thần của bà nữa. Rồi thì lúc đó cháu đã xuất hiện như một thiên thần. Nhờ có cháu, bà đã được gặp người chồng tội nghiệp của mình trước khi ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Một lần nữa bà muốn cảm ơn cháu đã không nề hà khi giúp đỡ bà.”
Cuối thư là dòng chữ: “Chân thành – Bà Nat King Cole”.
3. BÀI HỌC VỀ LÒNG BIẾT ƠN
Ồ, đây là món kem mình thích nhất!

Vào cái thời khi mà món kem nước hoa quả còn rất rẻ tiền, có một câu chuyện về cậu bé 10 tuổi thế này: Ngày nọ, Jim – tên của cậu bé – sau một hồi đi qua đi lại, ngó nghiêng vào cửa hàng giải khát đông nhất nhì thành phố, nơi có món kem nước hoa quả mà cậu rất thích, mạnh dạng tiến lại gần cái cửa, đẩy nhẹ và bước vào. Chọn một bàn trống, cậu nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và đợi người phục vụ đến.
Chỉ vài phút sau, một người nữ phục vụ tiến lại gần Jim và đặt trước mặt cậu một ly nước lọc. Ngước nhìn cô phục vụ, cậu bé hỏi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền một đĩa kem nước hoa quả ạ?”. “50 xu“, cô phục vụ trả lời. Nghe vậy, Jim liền móc trong túi quần ra một số đồng xu lẻ, nhẩm tính một hồi, cậu hỏi tiếp: “Thế bao nhiêu tiền một đĩa kem bình thường ạ?”. “35 xu”, người phục vụ vẫn kiên nhẫn trả lời cậu bé mặc dù lúc đó khách vào cửa hàng đã rất đông và đang đợi cô. Cuối cùng, người nữ phục vụ cũng mang đến cho Jim món kem mà cậu yêu cầu, và sang phục vụ những bàn khác. Cậu bé ăn xong kem, để lại tiền trên bàn và ra về.
Khi người phục vụ quay trở lại để dọn bàn, cô ấy đã bật khóc khi nhìn thấy 2 đồng kẽm (1 đồng bằng 5 xu) và 5 đồng xu lẻ được đặt ngay ngắn trên bàn, bên cạnh 35 xu trả cho đĩa kem mà Jim đã gọi – Jim đã không thể có món kem nước hoa quả mà cậu ấy thích bởi vì cậu ấy chỉ có đủ tiền để trả cho một đĩa kem bình thường và một ít tiền boa cho cô.
4. BÀI HỌC VỀ SỰ TỰ GIÁC VÀ TRÁCH NHIỆM
Xưa thật là xưa, có một ông Vua nọ, một hôm ông ta sai quân lính đặt một tảng đá lớn nằm chắn ngang đường đi. Xong, ông nấp vào một bụi cây gần đấy và theo dõi.
Lần lượt ông ta thấy, những thương nhân giàu có đi qua, rồi đến những cận thần của ông đi qua, nhưng không ai có ý định xê dịch tảng đá sang bên nhường chỗ cho lối đi cả, họ chỉ lẩm nhẩm đổ lỗi cho nhà Vua vì đã không cho người giữ sạch sẽ con đường.
Một lúc sau, nhà Vua nhìn thấy một người nông dân đi tới với một xe rau cồng kềnh nặng trĩu. Nhìn thấy tảng đá, người nông dân liền ngừng xe và nhảy xuống đất, cố hết sức mình ông ta đã đẩy được tảng đá sang bên kia vệ đường. Vừa làm ông ta vừa lẩm bẩm: “Thật không may nếu có ai đó không thấy mày và vấp phải, chắc là sẽ đau lắm đây”. Xong đâu đấy, người nông dân quay trở lại xe để tiếp tục đi tiếp, thì bỗng nhìn thấy một bao tiền to đùng đặt ngay chỗ mà ông đã di chuyển tảng đá. Đó là một một món quà của Đức Vua cho người nào dịch chuyển được tảng đá.
Câu chuyện của người nông dân này đã giúp chúng ta nhận ra một điều quý giá mà rất nhiều người trong chúng ta không bao giờ nhận thấy: Vật cản đôi khi cũng có thể là một cơ hội tốt.
5. BÀI HỌC VỀ SỰ HY SINH
Đã lâu lắm rồi, nhiều năm đã trôi qua, khi tôi còn là tình nguyện viên tại một bệnh viện, tôi có biết một cô gái nhỏ tên Liz – cô ấy đang mắc phải một căn bệnh rất hiểm nghèo.
Cơ hội sống sót duy nhất của cô là được thay máu từ người anh trai 5 tuổi của mình, người đã vượt qua được cơn bạo bệnh tương tự một cách lạ thường nhờ những kháng thể đặc biệt trong cơ thể. Bác sĩ đã trao đổi và giải thích điều này với cậu bé trước khi yêu cầu cậu đồng ý cho cô em gái những giọt máu của mình. Lúc ấy, tôi đã nhìn thấy sự lưỡng lự thoáng qua trên khuôn mặt bé nhỏ kia. Cuối cùng, với một hơi thở thật sâu và dứt khoát cậu bé đã trả lời rằng: “Cháu đồng ý làm điều đó để cứu em cháu”.
Nằm trên chiếc giường kế bên em gái để thuận tiện hơn cho việc truyền máu, cậu bé liếc nhìn em gái và đôi mắt ngời lên niềm vui khi thấy đôi má cô bé hồng lên theo từng giọt máu được chuyền sang từ người cậu. Nhưng rồi, khuôn mặt cậu bỗng trở nên tái xanh đầy lo lắng, cậu bé ngước nhìn vị bác sĩ và hỏi với một giọng run run: “Cháu sẽ chết bây giờ phải không bác sĩ?”. Thì ra, cậu bé non nớt của chúng ta đã nghĩ rằng: cậu ta sẽ cho cô em gái tất cả máu trong người mình để cứu cô ấy và rồi cậu sẽ chết thay cô.
Bạn thấy không, sau tất cả những hiểu lầm và hành động của mình, cậu bé đã có tất cả nhờ đức hy sinh…
Cuộc sống có câu: “Hãy cho đi thứ bạn có, rồi bạn sẽ được đền bù xứng đáng”.
HỘI DÒNG PHÚC ÂM SỰ SỐNG - TỔNG TU NGHỊ LẦN THỨ III
(Nhiệm kỳ 2018-2023)



“Hãy mở tung cánh cửa tâm hồn để đổi mới”. Đó là lời nhắn nhủ của Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu - Tổng Đại diện Giáo Phận Phan Thiết trong buổi Tổng Tu Nghị lần thứ III của Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống- Giáo Phận Phan thiết nhiệm kỳ 2018-2023, diễn ra vào ngày 28/08/2018, tại Tu viện Têrêsa Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống. Vào lúc 08g sáng ngày khai mạc, Cha Tổng Đại Diện Giuse Hồ Sĩ Hữu đại diện Đức Cha Tôma Giám Quản Tông tòa Giáo Phận Phan Thiết đã chủ tế thánh lễ khai mạc tại nhà nguyện tu viện Têrêsa, cùng có sự hiện diện đầy đủ của quý chị em trong thành phần Tương nhiên và thành phần Đại biểu của Tu nghị.
Đúng 08g45, Tổng Tu nghị lần thứ III Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống chính thức khai mạc. Sau lời tuyên bố khai mạc của chị Tổng phụ trách đương nhiệm, cộng đoàn rước sách Thánh trọng thể sang phòng hội - nơi diễn ra Tổng Tu Nghị.

Trong lời phát biểu của cha Giuse, Ngài hướng chị em trong tu nghị theo đường hướng của Thánh Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Ngài đã mở tung cánh cửa cho Giáo Hội và Thế giới mong rằng mỗi chị em hãy mở tung cánh cửa tâm hồn để Chúa Thánh Thần đổi mới.

Dựa trên kết quả số bỏ phiếu của các chị em trong Tổng Tu Nghị, Hội Dòng Phúc Âm Sự Sống hân hoan đón mừng chị Mr. Têrêsa Đoàn Thị Hoa- được tái đắc cử. Niềm vui được vỡ òa trong những tràng vỗ tay của chị em, những tiếng chuông rộn rã vang lên để chúc mừng với tinh thần cảm tạ và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa trong một thời kỳ mới, một tương lai mới.
Tổng Tu Nghị là thời điểm để nhìn lại và cũng là để hướng tới. Nhìn lại quá khứ để cảm tạ, tri ân. Hướng tới tương lai để hy vọng, đổi mới và dấn thân trong tình yêu Chúa và sứ vụ của người nữ tu Phúc Âm Sự Sống.
Tổng Tu Nghị khép lại lúc 17g30 trong giờ kinh chiều. Tất cả chị em cùng chung lời tri ân, cảm tạ Thiên Chúa. Cánh cửa Tu Nghị được mở ra thì ước mong sao Tổng Tu Nghị cánh cửa tâm hồn của quý chị em cũng mở ra để đón nhận Chúa và tha nhân.