MÙA XUÂN KHUYẾT
Xuân đang về, tiếng chim én vang trên bầu trời rộn rã, mang những niềm vui đón chào năm mới. Cánh én lướt nhanh vụt qua mỗi cành đào, để lại những cơn gió mới mẻ đầu mùa tràn ngập niềm vui, cùng với những tiếng chim trở lại ấm áp. Mùa xuân! Khi nói đến hai tiếng mùa xuân chắc hẳn ai cũng nghĩ mùa xuân sẽ là mùa của hạnh phúc, cũng như mang đến nhiều tiếng cười nhất! Nhưng cũng có một góc nhỏ khoẳng lặng còn đó những mùa xuân không trọn vẹn.
Từ tầng ba của Mái ấm Thiện Tâm nhìn xuống con đường chạy dài, người người lớp lớp đua nhau đi sắm tết, mọi người mọi nhà đang tất bật với công việc chuẩn bị cho một cái tết đang đến gần kề. Trong không khí rộn ràng đó, tôi hòa mình với đất trời chào đón mùa xuân. Một mùa xuân với khí trời nắng ấm, muôn cây đâm chồi nẩy lộc, thỉnh thoảng có vài chú chim nhảy nhót hót líu lo như đang mời gọi tôi hòa điệu nhảy cùng chúng. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy buồn. Cảm giác này tôi đã cảm nhận được ngay từ khi không khí tết len lỏi vào trong tâm hồn tôi. Không khí của mùa xuân gợi lên trong tôi câu hát: “Ngày đầu xuân bao người đi xa cùng về với gia đình…” làm tôi cảm thấy nhớ nhà da diết.
Vâng, tết là dịp mọi người tề tựu bên nhau; dù đi đâu, ở phương trời nào thì ngày tết mọi người đều trở về bên người thân, bên gia đình để hưởng những ngày xuân tươi đẹp. Nhưng đối với những đứa bé mồ côi không nơi nương tựa, những mảnh đời bất hạnh thì đây lại là những ngày họ cảm thấy cô đơn, buồn tủi nhất… Những tâm trạng đó tôi đã bắt gặp khi tôi đang được đồng hành với các em trong từng giờ cơm, giấc ngủ...
Và chiều nay, khi chơi với các em, tôi bỗng thấy các em có thái độ rất lạ khác hẳn mọi khi, đến gần tôi ôn tồn hỏi: các em có chuyện gì à, ai chọc nghẹo các em? trả lời tôi một số em chỉ lắc đầu liên tục rồi cúi gập đầu xuống; tôi hỏi tiếp: các em nhớ mẹ à? Tôi chỉ buột miệng chứ không hề nghĩ đến điều đó, vì từ lúc sinh ra các em chưa biết khái niệm mẹ là gì; nhưng khi vừa nghe đến từ mẹ, nước mắt ai cũng chảy dài trên hai gò má. Lúc đó lòng tôi như thắt lại, ngẹn ngào không thốt ra được lời nào để an ủi các em, mà chỉ biết vỗ nhẽ trên vai rồi lần lượt ôm các em vào lòng thủ thỉ: em cứ khóc đi. Ngước mắt lên trời tôi thì thầm cùng Chúa: lạy Chúa, con phải nói gì với các em, phải khuyên các em thế nào đây, làm sao con có thể phủ lấp đầy những mất mát, những hố sâu trong cõi lòng các em! Xin Chúa hãy đến an ủi, con mặc kệ Chúa đó! Rồi những ngày tiếp theo, hễ nghe tiếng xe chạy ngoài đường, có những em lại vùng chạy ra nhìn theo chiếc xe như đang chờ đợi, hy vọng một điều gì đó, cho đến khi tiếng xe mất hút trong không gian vô tận, đôi mắt các em sập xuống và hai dòng lệ lại tuôn rơi. Trong sự im lặng xót xa, mắt tôi cũng đỏ lên lúc nào không biết. Rồi tôi lại chợt nghĩ miên man: Có lẽ, khi mà trên đường phố tiếng cười nói, tiếng người chúc nhau cho một năm mới an bình, nhà nhà ngập tràn ánh sáng của những dãy bóng nháy chuẩn bị đón tết, tiếng nhạc rộn ràng giục dã kẻ tha phương nhanh chân trở về bên người thân để đón tết, khi mà những ngày lạnh giá ảm đạm đã qua, nhường chỗ cho mùa xuân nắng ấm, cảnh vật và con người dường như cũng được hồi sinh. Thì khát vọng có một gia đình lại một lần nữa được nhen nhóm trong cõi lòng những đứa bé mồ côi; dù biết không thể, nhưng dòng máu đang chạy trong huyết mạch vẫn thôi thúc chúng ước mơ một lần gặp mẹ, một lần được gọi tiếng mẹ ơi, một lần được ôm lấy mẹ mà khóc, một lần được nói con nhớ mẹ…nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi!
Vâng, Mùa xuân của đất trời xoay vòng mỗi năm một lần, còn mùa xuân của lòng người thì bao giờ mới đến. Thiết nghĩ, cuộc đời của những mảnh đời bất hạnh này sẽ không bao giờ có một mùa xuân trọn vẹn mà chỉ là một chuỗi dài những “mùa xuân khuyết”, cái tên gọi mà sáng nay tôi nghe được từ một chị cùng phòng, chị nói về một bài viết nào đó với tiêu đề “mùa xuân khuyết” nên tôi đành mượn cái tên đó để đặt tiêu đề cho những tâm sự mà tôi muốn chia sẻ; để ai trong chúng ta đang hạnh phúc có một gia đình, phải luôn biết sống trong tâm tình cảm tạ, đồng thời biết chia sẻ, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh mà mình bắt gặp trên đường đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét