Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Ánh sáng định hướng cuộc đời chúng ta là gì?

Ánh sáng định hướng cuộc đời chúng ta là gì?


ĐHY Nguyễn Văn Thuận
Trong thiên niên kỷ thứ ba,
chúng ta theo ánh sáng của Hy vọng
Ánh sáng định hướng đời tôi là Hy vọng. Lời kinh phụng vụ hát: Kính chào Thánh giá là Hy vọng “độc nhất của chúng tôi” (o crux ave spes unica). Thánh giá đem lại Hy vọng vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào đó để cứu rỗi nhân loại, người lại Phục sinh để đưa nhân loại vào thiên đàng.
Giữa thế gian đầy tội ác, bất công, đói khổ hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta làm gì?
– Người Công giáo là ánh sáng giữa đen tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng (ÐHV. 950).
– Yêu Chúa là yêu trần gian. Mẹ say Chúa là mẹ say trần gian. Hy vọng ở Chúa là hy vọng trần gian được cứu rỗi (ÐHV. 954).
Và Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tránh:
Thánh Phaolô hằng khuyên nhủ giáo dân đừng sống như những người không hy vọng (ÐHV. 951).
Ngài cũng phân tích cho chúng ta thấy những hạng người công giáo khác nhau, và chọn cho mình hướng đi đúng:
Có hạng “công giáo đợi chờ”, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến.
Có hạng người “công giáo thụ động”, “trốn tránh, vô trách nhiệm”.
Họ chỉ biết “nhìn lên” đi kêu cứu, mà không biết “nhìn tới” để tiến, “nhìn quanh” để chia sẽ, gánh vác.
Niềm hy vọng đang ở giữa họ, mà họ không hay! (ÐHV. 966)
Làm một cuộc cách mạng: Ðừng đem đời người công giáo xa lìa môi trường, để quây quần quanh cái việc thiêng liêng. Ðẩy người công giáo mang niềm hy vọng của mình xâm nhập môi trường (ÐHV. 966).
– Không thể quan niệm được một Kitô hữu không mê say đem hy vọng ngập tràn thế giới (ÐHV. 972).
Ánh sáng ấy sẽ chiếu soi giúp ta vượt những thử thách,
– Con hy vọng luôn luôn, đừng chán nản vì những sự khó khăn nôi bộ, ngay trong việc tông đồ.
Như Thánh Phaolô: “Kẻ thì rao giảng Ðức Kitô vì lòng mến, bởi biết rằng tôi đã được chỉ định lo bênh đỡ Tin mừng. Kẻ thì lại giảng truyền Ðức Kitô vì ganh tị, ý định không tinh truyền, tưởng làm vậy sẽ gây thêm khổ cực cho cảnh lao tù của tôì. Cần chi! Dù sao đi nữa, bởi ý lành hay ý xấu, miễn là Ðức Kitô được rao truyền thì tôi vui mừng và tôi cứ vui mừng luôn!” (ÐHV. 976).
Và đời ta sẽ là một đời hy vọng
– Chấm nầy nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút nầy nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp,
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng
Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng (ÐHV. 978)
Hướng đến năm 2000, Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II gửi cho giới trẻ thế giới sứ điệp: Tuổi trẻ là chứng nhân của hy vọng.
Tôi xin tóm lược nội dung của cuộc sống chứng nhân, niềm hy vọng đó qua sơ đồ tóm lược sau đây, dựa vào mấy chữ đầu của tiếng La tinh SPES (= hy vọng); và tôi chuyển dịch qua tiếng Việt bằng bốn công tác dấn thân bắt đầu bằng chữ P.
S – Servire :                          P – Phục vụ
P – Progressione :                 P – Phát triển
E – Evangelisatione :            P – Phúc âm
S – Sanctificatione officii :   P – Phận sự
Khi chọn danh từ Hy vọng, tôi đã nghĩ đến 4 P nầy, vì nó là chương trình hành động, cho chúng ta hôm nay; thực hiện đúng, nó sẽ thành hy vọng.
Muốn rõ thêm chi tiết tư tưởng và hành động đúng một chiến sĩ, mời các bạn nghiên cứu thật kỹ hiến chế Mục vụ của Công đồng Vatican II, có tên là Vui-mừng và Hy-vọng, mà tôi đã chọn làm khẩu hiệu và chương trình lúc tôi được chọn làm giám mục (1967).
Sau đây tôi giải thích 4 P ấy:

* Phục vụ

Công đồng Vatican II đã cho chúng ta thấy Hội thánh hôm nay phải là “một Hội thánh phục vụ” – Khiêm tốn và làm ích cho trần gian như “Men trong bột” như “Muối dưới biển” như “Ánh sáng”, rất thinh lặng, người ta cũng chẳng để ý đến nhưng không thể thiếu cho sự sống được.
Chúa Giêsu nói: “Tôi không đến để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ”. Và Ngài nói tiếp để giải thích sự phục vụ của Ngài: “Cha hiến mạng sống vì người khác”.
“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Gioan 13, 14).
Hy vọng hoàn thành nhân cách, hy vọng trở thành người Kitô hữu theo gương Chúa Kitô, hy vọng để kiến tạo một nước Việt Nam hoà bình, hạnh phúc, một giáo hội qui tụ những người con Thiên Chúa… sẽ không dựa trên ước mơ đề cao, tự phụ về mình, đoàn thể mình; không sử dụng cường lực, bắt ép; không đòi hỏi mình được tôn vinh và đặc quyền náo đó cho mình; cho cộng đồng mình…; nhưng “rửa chân cho nhau”, làm kẻ phục vụ tôn trọng, yêu thương: đó là con đường hy vọng, hằng ngày canh tân cuộc sống cá nhân, tạo bầu khí lành thánh cho xã hội và giáo hội.

* Phát triển

Ðức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Mt 14, 16).
Chúa Giêsu Kitô, con Thiên Chúa mang thân xác làm người, thức tỉnh chúng ta biết giá trị cao cả của thân xác con người chúng ta. Làm sao có thể thực hiện tình yêu thương người bên cạnh, khi có kẻ thừa thải cơm áo, tiền của dư đầy, nắm hết tiện nghi của cải và quyền lực, bên cạnh đa số người anh em lâm cảnh đói rách, bị đối xử bất công, bị tước bỏ quyền sống, quyền được tự do…
“Hãy cho họ ăn”, của ăn thân xác và tinh thần, bằng nổ lực đóng góp vào cuộc sống kinh tế, phát triển khoa học để phục vụ con người, đào sâu các giá trị văn hoá; bằng việc dấn thân tranh đấu cho công lý, hoà bình để nước Thiên Chúa là tình huynh đệ nhân loại mỗi ngày một thể hiện rõ nét hơn trên trần thế.
Hội thánh phục vụ bằng cách phát triển toàn diện con người. Trong những năm 60 thế giới bắt đầu nói rất nhiều đến “Phát triển”, Ðức Thánh cha Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Phát triển các dân tộc” – trong đó Ngài công bố thành lập Ủy ban Giáo hoàng sau nầy trở thành Hội đồng Toà thánh Công lý và Hoà bình. Hội thánh nhằm lo cho con người sống xứng đáng địa vị làm con Chúa.
Phát triển đây không có nghĩa kinh tế mà thôi – nhưng là phát triển con người toàn diện, thể lý, trí thức, tâm linh…
Một điều quan trọng ở đây là đánh tan lối suy nghĩ sai lạc: Hội thánh chỉ lo phần linh hồn thôi, không lo phần xác. Lối suy nghĩ đó đi xa sự thật lịch sử: trở lại ngàn năm nay, đâu đó Hội thánh tổ chức trường học, viện cô nhi, dưỡng lão, trại bài phung, bệnh viện từ vườn trẻ đến đại học.v.v…
– “Phát triển là danh hiệu mới của hoà bình” (Ðức Phaolô VI).
Mặc dù giúp đỡ anh em sung sướng bao nhiêu đi nữa, nếu con để họ thành” bộ máy tự động”, con chưa làm cho họ phát triển thực sự (ÐHV. 586).
– Chấp nhận những người chỉ biết nằm, biết ngồi, chỉ muốn lẻo đẽo đi theo, muốn được giúp, được cứu, được cho, để con được làm ảnh tượng, được luôn luôn cần thiết, thực dễ vô cùng! Nhưng con hãy luyện những con người trách nhiệm, những con người muốn đứng, những con người đáng làm người (ÐHV. 592).
Thực là khó! Nhưng con phải quyết tâm giúp cho người khác:
* Biết vùng dậy.
* Biết suy tư.
* Biết tổ chức.
* Biết chiến đấu.
* Biết chống ngược ý con khi cần. Con sẽ hạnh phúc
thật vì anh em cùng thăng tiến với con (ÐHV. 593).
Nói tóm lại, Hy vọng là sức mạnh thúc đẩy chúng ta làm chứng về nổ lực dấn thân phát triển con người toàn diện.

* Phúc âm

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 18).
– Hội thánh phục vụ bằng cách Phúc âm hoá chính mình để rồi Phúc âm hoá xã hội. Không phải để lôi kéo người ta vào đạo, nhưng để giá trị của Phúc âm soi rọi cho chúng ta sống tốt đẹp hơn.
Văn hào B. Pascal đã nói : “Khi tôi hiểu biết Thiên Chúa thì tôi cũng đã hiểu biết chính mình tôi”. Vì sao? Vì ý Thiên Chúa dựng nên tôi làm con Ngài, cao sang tốt đẹp hơn muôn phần, và những con người khác quanh tôi cũng cao cả như vậy.
Phúc âm là Lời đem đến ơn phúc, lời từ Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Lời đó, vâng theo ý Chúa Cha, để làm một việc là yêu thương con người, và yêu thương đến độ hy sinh mạng sống mình.
Kitô hữu chúng ta không có con đường nào để chọn, nguồn sinh lực nào để múc lấy, mẫu mực nào để bắt chước, mục tiêu nào để đạt được ngoài Ðức Giêsu Kitô, được trao lại cho chúng ta qua các nội dung của Phúc âm.
Ðức Giêsu Kitô là lời làm thân xác, ở giữa chúng ta, không phải là lời nói suông nhưng là một con người, một cuộc sống.
Ra đi rao truyền Phúc âm là nghĩa vụ thiết yếu của Kitô hữu và Giáo hội, trước hết là toả lan ánh sáng yêu thương, tinh thần hy sinh, phục vụ người anh em, kể cả kẻ thù mình, như Chúa Kitô đã thực hiện.
– Con chỉ có một Nội qui: Phúc âm. Ðó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp. Là Hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ; không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp. Ngược lại linh động, nhân hậu, làm phấn khởi linh hồn con.
Một vị thánh ngoài Phúc âm là “thánh giả” (ÐHV. 986).
– Quả tim con phải rộng đủ để chức đựng và rung nhịp với tất cả chương trình Phúc âm hoá của Hội thánh (ÐHV. 331).
Khi chiếu sáng Phúc âm chung quanh ta là ta làm tông đồ.
– “Tông đồ bằng hy sinh và thinh lặng” như hạt lúa chôn vùi, nát thối để sinh muôn ngàn hạt khác nuôi nhân loại.
“Tông đồ bằng chứng tích”. Lời quả quyết suông không đáng người ta tin tưởng mấy, dù ngọt ngào trau chuốt đến đâu.
Tang vật đáng tin hơn.
Hình ảnh chụp được, tiếng nói ghi âm được, càng dễ đánh động người ta hơn.
Nhưng chính con người sống động bằng xương thịt, nếu cả cuộc sinh hoạt, nếu cả một lớp người, một lớp gia đình cùng sống một lý tưởng, thì chứng tích ấy có một sức mạnh thuyết phục lớn lao biết chừng nào! (ÐHV. 332).
– Bí quyết công cuộc tông đồ trong thời đại ta:
Tông đồ giáo dân! (ÐHV. 335).
Thật thế, tại ngay Rôma nầy, trong ba năm qua, từng ngàn giáo dân tình nguyện làm “thừa sai đô thị”, thăm viếng, mang tặng Phúc âm đến từng gia đình trong giáo phận.
– Ðường lối của tông đồ thời đại ta:
* Ở giữa trần gian
* Không do trần gian
* Nhưng cho trần gian
* Với phương tiện của trần gian (ÐHV. 340)

* Phận sự

Mỗi người là một người con yêu quý của Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Phẩm giá cao quí và độc đáo đó đi kèm với nghĩa vụ phải hoàn thành phận sự riêng, ơn gọi riêng của mình. Thay vì dành tất cả tài năng, sức lực để rình mò và chỉ trích việc làm của người bên cạnh, là một người anh em có những hoàn cảnh, khả năng, phận vụ riêng của người ấy, thì trước hết chúng ta mỗi người thành tâm, tích cực chu toàn trách nhiệm và phận vụ riêng của mình. Phận vụ đó muốn được thánh hoá để bắc nhịp cầu đến với người bên cạnh, thì cần thấm nhập tinh thần Ðấng Thánh của Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô. Phận vụ của Ngài là yêu thương, phục vụ cho đến chết và chết trên Thánh giá.
Hội thánh phục vụ bằng các phận sự trần thế. Ðây là một linh Ðạo mới. Thường ta có quan niệm người thánh là người làm các việc đạo đức, tham gia các hội đoàn… nhưng quên rằng “nên thánh là chu toàn phận sự của mình”; ông Thánh Giuse nên thánh nhờ làm thợ mộc tốt, Ðức Mẹ nên thánh nhờ làm nội trợ tốt: làm tất cả vì Chúa Giêsu. Nguyên tắc rõ ràng hơn cả
– Thánh hoá bổn phận của con. Thánh hoá người khác nhờ bổn phận của con. Thánh hoá chính mình con trong bổn phận (ÐHV. 19)
Thánh hoá bổn phận của con: tôi là nhà báo, dân biểu, học sinh, làm bếp, tôi thánh hoá công việc của tôi, thay vì chỉ làm nghề lấy tiền, tôi làm thật tốt vì yêu mến Chúa – khác nhau lắm.
Thánh hoá người khác nhờ bổn phận con: qua tờ báo tôi viết tốt, bảo vệ sự thật, đem nguồn vui đến cho nhiều người; tôi làm dân biểu, phát biểu can đảm theo lương tâm, tôi thánh hoá người khác – Thế giới nầy không khá được, đất nước không đổi mới được – Vậy thì bao nhiêu nhà báo, bao nhiêu dân biểu, trí thức công giáo, tin lành,… ở đâu? Chúng ta sống như người vô tôn giáo. Và ta đã không thánh hoá người khác nhờ bổn phận.
Thánh hoá chính mình trong bổn phận: Dĩ nhiên khi làm như vậy ta phải hy sinh, can đảm, sáng suốt và bền chí, và ta nên thánh, đâu cần phải ăn chay, đánh tội… mà những người ở xung quanh không ai chịu nổi.
– Nếu ai cũng thánh hoá bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới mới (ÐHV. 20)
– Một vị thánh ngoài bổn phận là thánh ở xa xa thường hay “làm phép lạ” sái nơi, sái giờ. Ðến gần thì gây lộn xộn, và hoang mang khó sống (ÐHV. 21).
– Giáo dân nghĩ: Thánh là sốt sắng kinh nguyện, giảng giải, xa lánh thế gian: họ hoá ra giáo sĩ, tu sĩ thời xưa. Tu sĩ nghĩ: Thánh là dấn thân giúp việc xã hội, hoạt động chính trị, tranh đua với giáo dân mà nhập thế. Loạn xà ngầu (ÐHV. 22).
– Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận (ÐHV. 25).
Trong tinh thần hy vọng và sức mạnh Phục sinh của Chúa Kitô, thi sĩ Joseph Folliet (1903-1972) đã viết:

Vui mừng và Hy vọng

“Cuối đường bạn đi
không còn là đường, nhưng là đích điểm lữ hành.
Cuối dốc bạn leo,
không còn là dốc, nhưng là đỉnh cao tuyệt vời.
Cuối đêm tối tăm,
không còn là đêm, nhưng là hừng đông rạng rỡ.
Cuối mùa đông giá,
không còn là đông, nhưng là mùa xuân ấm áp.
Cuối giờ bạn chết,
không còn là chết, nhưng là sự sống vĩnh hằng.
Cuối phút thất vọng,
không còn là thất vọng, nhưng là hy vọng tràn đầy.
Cuối cùng của nhân loại,
không còn là người, nhưng là Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta”.
Chính Ngài là vui mừng và hy vọng của chúng ta

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét